Switch case trong Javascript

0 phút đọc

Trong bài viết về cấu trúc rẽ nhánh trong JavaScript, mình đã tìm hiểu về câu lệnh if và toán tử ?. Ngoài ra, mình cũng có thể sử dụng lệnh switch case làm cấu trúc rẽ nhánh thay thế cho câu lệnh if.

Sau đây, mình cùng tìm hiểu về cách sử dụng câu lệnh switch - case trong JavaScript và khi nào thì nên sử dụng cấu trúc rẽ nhánh switch - case.

Lệnh switch case là gì?

Câu lệnh switch - case trong JavaScript là một cấu trúc rẽ nhánh dùng để xác định một danh sách các trường hợp và khối lệnh tương ứng với mỗi trường hợp.

Khi giá trị đang xét bằng nghiêm ngặt (===) với trường hợp nào thì khối lệnh tương ứng bắt đầu từ trường hợp đó được thực thi.

Cú pháp câu lệnh switch case

Lệnh switch case trong JS có cú pháp như sau:

switch(x) {
  case 'value1':  // if (x === 'value1')
    ...
    [break]
  case 'value2':  // if (x === 'value2')
    ...
    [break]
  default:
    ...
    [break]
}

Trong đó:

  • Giá trị x được kiểm tra bằng nghiêm ngặt lần lượt với các giá trị value1, value2,...
  • Khi tìm thấy giá trị value thỏa mãn thì khối lệnh bắt đầu từ case đó được thực hiện cho đến khi gặp từ khóa break gần nhất, hoặc kết lúc lệnh switch case.
  • Nếu không có trường hợp nào thỏa mãn thì khối lệnh ứng với default được thực thi.
  • Chú ý: từ khóa break là không bắt buộc.

Ví dụ lệnh switch case

Sau đây là ví dụ sử dụng lệnh switch case trong JavaScript:

const x = 2 + 3;

switch (x) {
  case 4:
    console.log("Less than");
    break;
  case 5:
    console.log("Equal");
    break;
  case 6:
    console.log("Greater than");
    break;
  default:
    console.log("Don't know the answer");
}

// Equal

Kết quả

Equal

Giải thích:

  • Lệnh switch so sánh bằng nghiêm ngặt giá trị của x với các case lần lượt là 4, 56.
  • Với case 4: khác với giá trị của x (là 5), nên quá trình so sánh tiếp tục.
  • Với case 5: giá trị này bằng nghiêm ngặt với x, nên khối lệnh bắt đầu từ trường hợp này được thực thi. Vì vậy, giá trị Equal được in ra.
  • Nhưng ngay sau đó là từ khóa break, nên lệnh switch case kết thúc.

Nếu không có từ khóa break thì sao?

Nếu không có từ khóa break thì toàn bộ khối lệnh phía sau case 5 được thực thi.

const x = 2 + 3;

switch (x) {
  case 4:
    console.log("Less than");
  case 5:
    console.log("Equal");
  case 6:
    console.log("Greater than");
  default:
    console.log("Don't know the answer");
}

// Equal
// Greater than
// Don't know the answer

switchcase đều có thể chứa biểu thức - không chỉ là biến hay hằng.

Ví dụ lệnh switch case với biểu thức:

let x = "3";
let v = 0;

switch (x - 1) {
  case v + 1:
    console.log("case 1");
    break;
  case v + 2:
    console.log("case 2");
    break;
  default:
    console.log("default");
}

// case 2

x = "3" nên ta có x - 1 bằng "3" - 1. Trường hợp này là phép trừ hai giá trị khác kiểu dữ liệu, nên kí tự "3" được chuyển đổi về dạng số thành số 3. Vì vậy, x - 1 sẽ bằng 2.

Mà ta có v = 0, nên v + 1 bằng 1v + 2 bằng 2. Suy ra, trường hợp case v + 2 thỏa mãn. Do đó, case 2 được in ra.

Nhóm các case

Hãy xem ví dụ sau:

const n = 5;

switch (n) {
  case 3:
    console.log("Hi!");
    break;
  case 4:
    console.log("Hello!");
    break;
  case 5:
    console.log("Hi!");
    break;
  default:
    console.log("Bye!");
}

// Hi!

Với đoạn code trên, bạn thấy rằng case 3case 5 xử lý giống nhau.

Khi đó, thay vì viết tường minh như trên, bạn có thể gộp hai trường hợp này với nhau bằng cách bỏ qua từ khóa break:

const n = 5;

switch (n) {
  case 4:
    console.log("Hello!");
    break;
  case 3:
  case 5:
    console.log("Hi!");
    break;
  default:
    console.log("Bye!");
}

// Hi!

Chạy thử với hai trường hợp n = 5n = 3, bạn sẽ thấy kết quả hiển thị giống nhau là Hi!.

Vì khi bỏ qua từ khóa break, toàn bộ khối lệnh bắt đầu từ case hợp lệ được thực hiện cho đến khi gặp từ khóa break gần nhất hoặc kết thúc lệnh switch case.

Vấn đề so sánh bằng nghiêm ngặt

Mình muốn nhấn mạnh rằng lệnh switch case sử dụng so sánh bằng nghiêm ngặt ===. Nghĩa là các giá trị phải cùng kiểu dữ liệu.

Ví dụ:

let x = 3;

switch (x) {
  case "3":
    console.log("string");
    break;
  case 3:
    console.log("number");
    break;
  default:
    console.log("unknown");
    break;
}

// number

Tổng kết

Sau đây là những kiến thức cơ bản cần nhớ về lệnh switch case trong JavaScript:

  • Lệnh switch case là cấu trúc rẽ nhánh dùng để xác định một danh sách các trường hợp và khối lệnh tương ứng với mỗi trường hợp.
  • Lệnh switch case sử dụng so sánh bằng nghiêm ngặt ===.
  • Khi tìm thấy trường hợp thỏa mãn, toàn bộ khối lệnh từ case thỏa mãn được thực thi cho đến khi gặp từ khóa break gần nhất hoặc kết thúc lệnh switch case.
  • Nếu không có trường hợp thỏa mãn, khối lệnh tương ứng với default được thực thi.
  • Bạn có thể nhóm các case lại với nhau bằng cách bỏ qua từ khóa break.

Thực hành

Bài 1

Sử dụng if..else để viết đoạn code tương ứng với đoạn code sau:

let browser = "Chrome";

switch (browser) {
  case "IE":
    console.log("Not support!");
    break;
  case "Chrome":
  case "Firefox":
  case "Safari":
  case "Edge":
    console.log("Support!");
    break;
  default:
    console.log("Unknown browser!");
}

// Support!

Xem đáp án

let browser = "Chrome";

if (browser === "IE") {
  console.log("Not support!");
} else if (
  browser === "Chrome" ||
  browser === "Firefox" ||
  browser === "Safari" ||
  browser === "Edge"
) {
  console.log("Support!");
} else {
  console.log("Unknown browser!");
}

// Support!

Mặc dù trông code có vẻ tương đương, nhưng theo mình thấy thì dùng lệnh switch case sẽ dễ nhìn hơn.

Bài 2

Sử dụng lệnh switch case viết đoạn code tương ứng với đoạn code sau:

let x = 2;

if (x === 1) {
  console.log("x KHÔNG LÀ số nguyên tố");
} else if (x === 2) {
  console.log("x LÀ số nguyên tố");
} else if (x === 3) {
  console.log("x LÀ số nguyên tố");
} else if (x === 4) {
  console.log("x KHÔNG LÀ số nguyên tố");
} else if (x === 5) {
  console.log("x LÀ số nguyên tố");
} else if (x === 6) {
  console.log("x KHÔNG LÀ số nguyên tố");
} else {
  console.log("CHƯA RÕ!");
}

Xem đáp án

Bạn thấy rằng, có một vài trường hợp xử lý giống nhau. Nên mình có thể nhóm các case lại như sau:

let x = 2;

switch (x) {
  case 2:
  case 3:
  case 5:
    console.log("x LÀ số nguyên tố");
    break;
  case 1:
  case 4:
  case 6:
    console.log("x KHÔNG LÀ số nguyên tố");
    break;
  default:
    console.log("CHƯA RÕ!");
}

Bình luận

Chưa có bình luận nào

Chưa có bình luận nào

Avatar TechMely Team
Được viết bởi

TechMely Team

Đôi khi, không cẩn thận biết một số chuyện, mới phát hiện ra rằng những điều bản thân để tâm lại nực cười đến thế.
Khoá học javascript từ cơ bản đến chuyên sâuYoutube Techmely