Khóa học javascript

Closure trong Javascript

0 phút đọc

Closure trong JS là một trong những khái niệm quan trọng. Việc nắm chắc JavaScript closure là gì và cách sử dụng closure trong JavaScript giúp bạn viết code tốt hơn.

Closure trong Javascript

JavaScript closure là gì?

JavaScript closure là tập hợp bao gồm một hàm và môi trường nơi hàm đó được khai báo, gọi là lexical environment.

Trong đó, lexical environment được hiểu là tất cả những biến cục bộ trong hàm và trạng thái của các biến ở phạm vi ngoài hàm.

Closure trong JS có thể truy cập biến3 phạm vi khác nhau là:

  • Biến toàn cục (global)
  • Biến được khai báo ở ngoài hàm (outer function)
  • Biến ở trên trong hàm closure (local)

Ví dụ về các phạm vi biến:

js Copy
// biến global
let YEAR = "2021";

function greet(name) {
  // biến local trong hàm greet
  // đồng thời là biến ngoài hàm sayHello
  let intro = "Hello";

  function sayHello() {
    // biến local của hàm sayHello
    let message = `${intro} ${name} in ${YEAR}`;
    console.log(message);
  }

  sayHello();
}

greet("Dev");
// Hello Dev in 2021

Để hiểu hơn về phạm vi của biến, sau đây mình sẽ tìm hiểu về khái niệm "khối code" hay tiếng anh là code block.

Lưu ý

Các ví dụ sau đây chỉ áp dụng cho cách khai báo biến với let/const. Cách khai báo biến với var đã lỗi thời và var có logic riêng.

Code block là gì?

Nếu một biến được khai báo bên trong một code block {...} thì biến "chỉ được nhìn thấy" ở khối code đó.

Ví dụ về code block:

js Copy
// sau đây là một khối code
{
  let message = "Hi"; // biến message chỉ được nhìn thấy ở trong block
  console.log(message); // Hi
}

console.log(message); // Error: message is not defined

Bạn có thể ứng dụng code block để tạo ra các đoạn code riêng biệt mà không sợ bị xung đột về tên biến.

js Copy
// block 1
{
  let message = "Hi";
  console.log(message); // Hi
}

// block 2
{
  let message = "Hello";
  console.log(message); // Hello
}

Nếu không có code block thì sẽ xảy ra lỗi "biến đã được khai báo":

js Copy
let message = "Hi";
console.log(message); // Hi

let message = "Hello";
// Uncaught SyntaxError: Identifier 'message' has already been declared

Ví dụ về if, for, while,... các biến được khai báo bên trong {...} cũng chỉ được nhìn thấy bên trong:

js Copy
if (true) {
  let message = "hello";
  console.log(message); // hello
}

console.log(message); // Uncaught ReferenceError: message is not defined

Sau câu lệnh rẽ nhánh if, biến message không được nhìn thấy, nên đã có lỗi "message is not defined".

Tương tự với vòng lặp for:

js Copy
for (let i = 0; i < 3; i++) {
  // biến i chỉ được nhìn thấy bên trong for
  console.log(i); // 0, 1, 2
}

console.log(i); // Uncaught ReferenceError: i is not defined

Trong ví dụ trên, bạn đấy let i không nằm trong {...}. Tuy nhiên, vòng lặp for là một cú pháp đặc biệt.

Biến được khai báo bên trong for(...) là biến cục bộ bên trong code block {...} của for.

Hàm lồng nhau

Hàm lồng nhau được hiểu là một hàm được khai báo bên trong hàm khác, tiếng anh là nested function, ví dụ:

js Copy
function sayHiBye(firstName, lastName) {
  // getFullName là nested function
  function getFullName() {
    return `${firstName} ${lastName}`;
  }

  console.log("Hello, " + getFullName());
  console.log("Bye, " + getFullName());
}

Trong ví dụ trên, hàm getFullName là một nested function được khai báo bên trong hàm sayHiBye.

Hàm getFullName có thể truy cập tới biến ngoài hàm firstName, lastName và trả về giá trị "fullName".

Điều đặc biệt ở đây là bạn có thể "return" về nested function. Sau đó, bạn có thể sử dụng hàm trả về ở bất kỳ đâu mà vẫn có thể truy cập được vào biến ngoài hàm (outer function) một cách giống nhau.

Ví dụ hàm makeCounter trả về giá trị count tiếp theo sau mỗi lần gọi:

js Copy
function makeCounter() {
  // ban đầu counter bằng 0
  let count = 0;

  // trả về một hàm khác
  // hàm này return về counter rồi tăng biến counter lên 1 đơn vị
  return function () {
    return count++;
  };
}

// sử dụng -> counter chính là nested function
let counter1 = makeCounter();

// sau mỗi lần gọi hàm counter1() thì giá trị count tăng lên 1
console.log(counter1()); // 0
console.log(counter1()); // 1
console.log(counter1()); // 2

// tạo counter2, giá trị count độc lập với counter1
let counter2 = makeCounter();

// khi gọi counter2(), giá trị count vẫn bắt đầu từ 0, chứ không phải 2
console.log(counter2()); // 0
console.log(counter2()); // 1
console.log(counter2()); // 2

Đặc điểm của closure trong JS

Nếu bạn muốn hiểu sâu và vận dụng được JavaScript closure thì sau đây là những đặc điểm quan trọng mà bạn cần nắm vững.

Hàm closures có thể truy cập tới biến của hàm chứa nó, dù cho hàm đó đã return

Thông thường, khi một hàm đã return thì biến cục bộ trong hàm đó cũng được giải phóng.

Nhưng với closure trong JS thì khác, bạn vẫn có thể truy cập đến những biến cục bộ đó ngay cả khi outer function đã thực hiện xong.

js Copy
function adder(n) {
  let intro = "This answer is ";
  let local = n;

  return function (number) {
    let result = number + local;
    console.log(intro + result);
  };
}

let adder2 = adder(2);
adder2(10);
// This answer is 12

Trong ví dụ trên, hàm closures là một hàm không tên function(number). Hàm closures này sử dụng biến cục bộ của outer function là introlocal.

Khi mình gọi hàm adder(2), hàm này thực hiện và kết quả trả về được gán vào biến adder2. Nói cách khác, adder2 chứa nested function được trả về từ việc gọi hàm adder(2).

Sau đó, mình gọi adder2(10) và kết quả trả về là 12.

Chứng tỏ, hàm closures vẫn có thể truy cập tới biến cục bộ của outer function là intro, local ngay cả khi hàm outer adder2 đã thực hiện xong.

Hàm closures lưu trữ biến của outer function theo kiểu tham chiếu

Xét ví dụ dưới đây:

js Copy
function ObjId() {
  let id = 1;

  return {
    getId: function () {
      return id;
    },
    setId: function (_id) {
      id = _id;
    },
  };
}

let myObject = ObjId();
console.log(myObject.getId()); // 1

myObject.setId(10);
console.log(myObject.getId()); // 10

Hàm khởi tạo ObjId trả về một đối tượng bao gồm 2 hàm closures là getIdsetId. Các hàm closures này sử dụng chung một biến cục bộ là id.

Ban đầu, mình gọi myObject.getId() thì kết quả trả về là 1 (giá trị của biến cục bộ). Sau đó, mình gọi myObject.setId(10) để cập nhật giá trị của id.

Nếu closure trong JS chỉ lưu biến cục bộ theo giá trị thì suy ra giá trị của biến cục bộ id sẽ không thay đổi. Nhưng khi mình gọi tiếp myObject.getId() thì giá trị trả về là 10.

Chứng tỏ, hàm closures phải lưu biến cục bộ theo kiểu tham chiếu.

Thực hành


Bài 1

Cho đoạn code sau:

js Copy
let name = "Alex";

function sayHi() {
  console.log("Hi, " + name);
}

name = "Anna";

sayHi();

Hỏi kết quả khi gọi sayHi() là "Alex" hay "Anna"?

Xem đáp án

Kết quả

Anna

Biến name là biến toàn cục. Khi hàm sayHi được gọi, giá trị của name là giá trị mới nhất.

Bài 2

Cho đoạn code sau:

js Copy
function makeWorker() {
  let name = "Alex";

  return function () {
    console.log(name);
  };
}

let name = "Anna";

// tạo một function mới
let work = makeWorker();

// gọi hàm
work();

Hỏi kết quả của worker() là "Alex" hay "Anna"?

Xem đáp án

Kết quả

Alex

Nested function bên trong hàm makeWorker truy cập tới biến ngoài hàm là name = "Alex".

Dù sau đó, mình có khai báo biến toàn cục let name = "Anna" thì biến name này ở phạm vi khác với biến name trong hàm closure.

Bài 3

Cho đoạn code sau:

js Copy
"use strict";

let message = "Hello";

if (true) {
  let user = "Alex";

  function sayHi() {
    console.log(`${message}, ${user}`);
  }
}

sayHi();

Kết quả sau khi gọi sayHi() là gì?

Xem đáp án

Kết quả

Uncaught ReferenceError: sayHi is not defined

Hàm sayHi được khai báo trong if, nên chỉ được nhìn thấy trong block code của if.

Bài 4

Viết hàm sum(a)(b) trả về tổng a + b, ví dụ:

js Copy
sum(1)(2) = 3
sum(2)(-1) = 1

Xem đáp án

Để gọi hàm được theo cách sum(a)(b) thì phải sử dụng closure trong JS:

js Copy
function sum(a) {
  return function (b) {
    return a + b;
  };
}

console.log(sum(1)(2)); // 3
console.log(sum(2)(-1)); // 1

Bài 5

Cho đoạn code sau:

js Copy
let x = 1;

function func() {
  console.log(x); // (*)
  let x = 2;
}

func();

Kết quả (*) là gì?

Xem đáp án

Kết quả

Uncaught ReferenceError: Cannot access 'x' before initialization

Vì trong hàm có let x = 2, nghĩa là biến x có tồn tại trong phạm vi của hàm func. Nhưng bạn không thể truy cập đến biến x trước câu lệnh let x.

Trường hợp trong hàm func không có let x = 2 thì giá trị của x là giá trị của biến x bên ngoài hàm.

Bài 6

Cho mảng users sau:

js Copy
let users = [
  { name: "Alex", age: 28 },
  { name: "Pete", age: 20 },
  { name: "Ann", age: 24 },
];

Ví dụ sắp xếp mảng theo nameage:

js Copy
// theo `name` (Alex, Ann, Pete)
users.sort((a, b) => (a.name > b.name ? 1 : -1));

// theo `age` (Pete, Ann, Alex)
users.sort((a, b) => (a.age > b.age ? 1 : -1));

Thay vì phải viết code lặp lại như trên, hãy viết hàm byField(fieldName) để có thể sử dụng với sort như sau:

js Copy
users.sort(byField("name"));
users.sort(byField("age"));

Xem đáp án

Để viết hàm byField, bạn có thể sử dụng closure trong JS để trả về nested function ứng với mỗi fieldName như sau:

js Copy
function byField(fieldName) {
  return (a, b) => (a[fieldName] > b[fieldName] ? 1 : -1);
}

Tham khảo:

Avatar
Được viết bởi

Admin Team

Gợi ý câu hỏi phỏng vấn

Không có dữ liệu

Không có dữ liệu

Gợi ý bài viết
Không có dữ liệu

Không có dữ liệu

Bình luận

Chưa có bình luận nào

Chưa có bình luận nào