Giới Thiệu
Xin chào mọi người! 👋 Đây là lần đầu tiên mình viết blog, nên không tránh khỏi những thiếu sót. Rất mong nhận được góp ý từ mọi người. Mình viết series này với mục đích chia sẻ hành trình tự tìm hiểu về Jamstack thông qua việc thực hiện các dự án nhỏ, hy vọng sẽ tích lũy được kiến thức cho bản thân cũng như giúp mọi người hiểu rõ hơn về công nghệ này.
Jamstack là gì?
Theo định nghĩa từ Snipcart:
Jamstack là một kiến trúc mà trong đó website được phục vụ tĩnh, như việc phục vụ HTML từ hosting tĩnh hoặc mạng phân phối nội dung (CDN), nhưng vẫn cung cấp nội dung động và trải nghiệm tương tác thông qua JavaScript. Cụm từ này đại diện cho ba yếu tố chính của một website: JavaScript, APIs, và Markup.
Jamstack kết hợp ba yếu tố này để phá vỡ định nghĩa truyền thống về Static Site Generators (SSG), cho phép tạo ra các trang web năng động hơn thông qua JavaScript chạy trên client và tương tác với API để tạo nội dung động.
Thuật ngữ này được đặt ra bởi Mathias Biilmann, đồng sáng lập của Netlify.
So Sánh Sự Khác Biệt Với Kiến Trúc Truyền Thống
Kiến Trúc Truyền Thống (Monolithic Architecture)
- Các trang web thường phụ thuộc vào máy chủ backend để xử lý và hiển thị nội dung động.
- Mỗi lần người dùng truy cập, trang web phải:
- Gửi yêu cầu đến server.
- Server xử lý yêu cầu, kết nối với cơ sở dữ liệu, và trả về HTML đã được render.
- Điều này dẫn đến sự phụ thuộc lớn vào backend và tốc độ tải trang bị ảnh hưởng khi số lượng người dùng tăng cao.
Kiến Trúc Jamstack (Decoupled Architecture)
- Jamstack tách biệt backend khỏi frontend.
- Frontend (HTML tĩnh) được dựng trước (pre-built) và lưu trữ trên các CDN.
- Nội dung động được cung cấp thông qua API và JavaScript chạy trên trình duyệt.
Đặc điểm | Kiến trúc Truyền Thống | Jamstack |
---|---|---|
Phụ thuộc backend | Cao | Thấp hoặc không cần |
Tốc độ tải trang | Chậm khi server quá tải | Nhanh nhờ CDN và file tĩnh |
Khả năng mở rộng | Hạn chế | Dễ dàng |
Bảo mật | Dễ bị tấn công | Ít điểm yếu |
Chi phí vận hành | Cao | Thấp hơn |
Lợi Ích Khi Sử Dụng Jamstack
- Giảm độ phức tạp của hệ thống: Jamstack loại bỏ sự phụ thuộc vào server-side rendering.
- Bảo mật cao hơn: Giảm thiểu nguy cơ tấn công như SQL Injection và DDoS.
- Khả năng mở rộng vượt trội: Nội dung tĩnh trên CDN giúp website chịu tải tốt.
- Hiệu suất vượt trội: Website tải nhanh nhờ nội dung được phục vụ trực tiếp từ CDN.
- Chi phí hợp lý: Chỉ cần trả phí cho hosting tĩnh, nhiều nền tảng cung cấp miễn phí.
- Phát triển nhanh hơn: Dễ dàng tích hợp với dịch vụ bên ngoài như xác thực, quản trị nội dung.
Nhược Điểm Của Jamstack
- Không phù hợp với mọi loại dự án: Không nên dùng cho ứng dụng có xử lý phức tạp
- Phụ thuộc vào dịch vụ bên thứ ba: Nhiều tính năng động phụ thuộc vào API bên ngoài.
- Chi phí API có thể tăng cao: Với lượng truy cập lớn, chi phí sử dụng API trả phí có thể cao.
- Yêu cầu kỹ năng phát triển frontend tốt: Cần có kiến thức về JavaScript và các framework.
Tiêu Chí Lựa Chọn Kiến Trúc Jamstack
Kiến trúc này phù hợp với các loại website đơn giản như:
- Thương mại điện tử cho cửa hàng nhỏ.
- Blog chia sẻ kiến thức và tối ưu SEO.
- Website giới thiệu dịch vụ hoặc doanh nghiệp.
- Landing Pages cho chiến dịch quảng cáo.
Các Dự Án Không Nên Sử Dụng Jamstack
- Ứng dụng real-time cao.
- Phần mềm quản lý liên quan đến dữ liệu lớn.
- Trang web có logic backend phức tạp.
Làm Thế Nào Để Bắt Đầu Với Jamstack?
- Chọn công cụ dựng trang tĩnh (Static Site Generator - SSG):
- Một số SSG phổ biến: Astro, Next.js, SvelteKit, Nuxt.
- Sử dụng API:
- Các dịch vụ bao gồm Headless CMS, Authentication, Payment, v.v.
- Tích hợp JavaScript:
- Sử dụng để xây dựng chức năng động thông qua các UI Framework như ReactJS hoặc VueJS.
- Chọn dịch vụ lưu trữ:
- Một số lựa chọn như Netlify, Vercel, Cloudflare Pages.
Kết Luận
Bài viết này chỉ ra những khái niệm cơ bản về Jamstack và cách thức triển khai. Nếu có sai sót nào, mong nhận được góp ý từ mọi người bên dưới. Cảm ơn mọi người đã đọc!
Tham Khảo: Snipcart, Jamstack Vietnam, Jamstack.org
source: viblo