Khóa học javascript

Hàm setTimeout trong Javascript

0 phút đọc

Đôi khi bạn cần phải thực hiện hành động sau một khoảng thời gian nhất định. Để thực hiện điều này, bạn có thể sử dụng phương thức setTimeout. Sau đây là cách khai báo và sử dụng setTimeout trong JavaScript.

Hàm setTimeout trong JavaScript

Cú pháp hàm setTimeout là:

js Copy
  let timerId = setTimeout(func|code, [delay], [arg1], [arg2], ...)

Trong đó:

  • func|code: là hàm hoặc string mô tả code để thực thi. Cách sử dụng thông thường là hàm. Cách sử dụng string được phép nhưng không khuyến khích.
  • delay: là thời gian trì hoãn trước khi hành động được thực hiện, tính theo mili giây. Giá trị mặc định của delay0.
  • arg1, arg2,...: là danh sách các tham số truyền vào hàm.

Ví dụ đoạn code sau gọi hàm sayHi sau 1 giây:

js Copy
function sayHi() {
  console.log("Hello");
}

setTimeout(sayHi, 1000); // Hello

Ví dụ với tham số truyền vào hàm:

js Copy
function sayHi(message, who) {
  console.log(`${message}, ${who}`);
}

setTimeout(sayHi, 1000, "Hello", "Alex"); // Hello, Alex

Nếu tham số đầu tiên là string, JavaScript engine sẽ tạo hàm từ string đó để thực thi, ví dụ:

js Copy
setTimeout("console.log('Hello')", 1000);

Tuy nhiên, cách sử dụng string là không được khuyến khích, bạn có thể thay thế bằng arrow function như sau:

js Copy
setTimeout(() => console.log("Hello"), 1000);

Chú ý: Tham số đầu tiên là hàm, chứ không phải kết quả của việc gọi hàm, nhiều bạn hay bị nhầm lẫn như sau:

js Copy
// gọi hàm sayHi() thay vì truyền vào hàm sayHi
setTimeout(sayHi(), 1000);

Khi gọi hàm sayHi() như trên, kết quả của hàm sayHi() được truyền vào hàm setTimeout. Mà hàm setTimeout chỉ chấp nhận truyền vào là function. Do đó, đoạn code trên sẽ không thực hiện gì sau 1 giây.

Xóa hành động với clearTimeout

Khi bạn gọi hàm setTimeout trong JavaScript, kết quả trả về là một số nguyên timerId - định danh cho hành động với timeout. Để hủy bỏ hành động, bạn chỉ cần gọi clearTimeout như sau:

js Copy
let timerId = setTimeout(...);
    clearTimeout(timerId);

Ví dụ bạn dự định gọi một hàm sau khoảng thời gian delay là 1 giây. Nhưng sau đó, bạn lại hủy bỏ hành động này:

js Copy
let timerId = setTimeout(() => console.log("sẽ không được gọi"), 1000);
console.log(timerId); // định danh cho timer

clearTimeout(timerId);
console.log(timerId); // timerId không đổi sau khi clearTimeout

Hàm setInterval trong JavaScript

Hàm setInterval có cú pháp tương tự như hàm setTimeout:

js Copy
let timerId = setInterval(func|code, [delay], [arg1], [arg2], ...)

Trong đó, tất cả tham số đều có ý nghĩa giống với hàm setTimeout.

Nhưng khác với hàm setTimeout là chỉ thực hiện hành động một lần, hàm setInterval sẽ gọi hàm thường xuyên sau mỗi khoảng thời gian delay.

Để dừng hành động, bạn chỉ cần gọi hàm clearInterval(timerId).

Ví dụ sau hiển thị "Hello" sau mỗi 2 giây và sau đó 5 giây thì dừng lại:

js Copy
// lặp lại với thời gian là 2000 ms (2 giây)
let timerId = setInterval(() => console.log("Hello"), 2000);

// sau 5 giây thì dừng lại
setTimeout(() => {
  clearInterval(timerId);
  console.log("stop");
}, 5000);

Hàm setTimeout lồng nhau

Ngoài cách sử dụng setInterval để thực hiện một hành động lặp đi lặp lại, bạn có thể sử dụng hàm setTimeout trong JavaScript theo cách lồng nhau như sau:

js Copy
/** thay vì:
    let timerId = setInterval(() => console.log('Hello'), 2000);
    */

let timerId = setTimeout(function sayHi() {
  console.log("Hello");
  timerId = setTimeout(sayHi, 2000); // (*)
}, 2000);

Trong ví dụ trên, cứ sau mỗi 2 giây thì hàm sayHi sẽ được gọi. Mà ở cuối hàm sayHi mình lại gọi tiếp setTimeout với hàm sayHi - tương tự cách gọi hàm đệ quy.

Cách gọi hàm setTimeout lồng nhau như trên giúp bạn xử lý delay linh hoạt hơn so với cách dùng setInterval. Vì bạn có thể tùy chỉnh thời gian delay cho mỗi lần lặp.

Giả sử bạn cần tạo request lên server sau mỗi 5 giây để cập nhật dữ liệu. Tuy nhiên, server có thể bị quá tải. Dựa vào trạng thái server hiện tại, bạn có thể tăng thời gian delay lên 10, 20, 30, giây... cho phù hợp, ví dụ:

js Copy
let delay = 5000;

let timerId = setTimeout(function request() {
  /*... gửi request lên server...*/

  if (/* mã lỗi trả về liên quan đến server quá tải */) {
    // tăng delay lên hai lần
    delay *= 2;
  }

    // chạy lại setTimeout với giá trị delay mới
    timerId = setTimeout(request, delay);

}, delay); // -> giá trị delay ban đầu là 5000 ms

Cách sử dụng setTimeout lồng nhau cho phép delay chính xác hơn giữa mỗi lần thực hiện hành động so với cách dùng setInterval.

Ví dụ dùng setInterval:

js Copy
let i = 1;
setInterval(function () {
  func(i++);
}, 100);

Ví dụ dùng setTimeout lồng nhau:

js Copy
let i = 1;
setTimeout(function run() {
  func(i++);
  setTimeout(run, 100);
}, 100);

Hàm setInterval thực hiện hành động func(i++) sau mỗi 100ms. Tuy nhiên, hành động func(i++) cũng chiếm thời gian. Do đó, thời gian thực tế giữa hai lần chạy func(i++)nhỏ hơn 100ms.

Thậm chí là thời gian chạy func(i++) có thể nhiều hơn 100ms thì lần chạy func(i++) tiếp theo sẽ được gọi ngay lập tức sau lần gọi trước. Nói cách khác là không có thời gian delay giữa hai lần chạy func(i++).

Nhưng với cách sử dụng hàm setTimeout lồng nhau thì khác. Với cách này, hàm setTimeout tiếp theo chỉ được gọi khi hàm func(i++) thực hiện xong. Nghĩa là thời gian giữa hai lần chạy func(i++) sẽ đảm bảo khoảng 100ms.

Vấn đề garbage collection

Như mình đã nói trong bài viết về garbage collection trong JavaScript, khi một giá trị là không thể tiếp cận thì nó sẽ được giải phóng khỏi bộ nhớ.

Đối với hàm truyền vào setTimeout/setInterval, JavaScript engine sẽ tạo một tham chiếu nội bộ tới hàm thực thi để đảm bảo hàm này không bị giải phóng.

Với hàm setTimeout, hàm truyền vào sẽ được giữ trong bộ nhớ cho tới khi hàm được gọi:

js Copy
// hàm được giữ trong bộ nhớ cho tới khi thực thi xong
setTimeout(function() {...}, 100);

Với hàm setInterval, hàm truyền vào được giải phóng khỏi bộ nhớ sau khi gọi clearInterval.

Giả sử hàm truyền vào setInterval tham chiếu đến biến bên ngoài. Vì hàm này luôn tồn tại cho đến khi gọi clearInterval, nên biến được tham chiếu đến cũng sẽ không được giải phóng.

Khi không thực sự cần thiết, hãy gọi hàm clearInterval để giải phóng bộ nhớ.

Hàm setTimeout với thời gian delay bằng 0

Có một trường hợp đặc biệt với hàm setTimeout là thời gian delay bằng 0.

Theo lý thuyết, khi delay = 0 thì hành động được thực hiện ngay lập tức. Nhưng thực tế, hành động sẽ được thực hiện ngay khi code luồng chính thực hiện xong, ví dụ:

js Copy
setTimeout(() => console.log("World"));

console.log("Hello");
// Hello
// World

Trong ví dụ trên, câu lệnh console.log("Hello") được thực hiện trước. Và ngay sau khi câu lệnh này thực hiện xong thì câu lệnh console.log("World") được thực hiện.

Lưu ý

Thời gian delay trên trình duyệt không hoàn toàn bằng 0.

Đối với cách gọi hàm setTimeout lồng nhau, sau 5 lần gọi hàm, thời gian delay sẽ được set bằng 4ms, ví dụ:

js Copy
let start = Date.now();
let times = [];

setTimeout(function run() {
  // tính toán thời gian delay so với ban đầu
  times.push(Date.now() - start);

  // sau 100ms tính từ thời điểm bắt đầu thì sẽ in ra log và dừng lại
  if (Date.now() > start + 100) {
    console.log(times);
  } else {
    setTimeout(run); // tiếp tục setTimeout
  }
});

// kết quả cuối cùng:
// (22) [12,14,16,18,25,30,34,38,42,46,51,55,59,63,69,74,79,83,87,92,96,101]

Xem kết quả trên, bạn thấy rằng thời gian delay giữa mỗi lần gọi trong 5 lần đầu tiên là khoảng 2ms. Nhưng sau 5 lần thì thời gian delay tăng lên là khoảng 4ms.

Đây chính là giới hạn của hàm setTimeout trên trình duyệt. Và giới hạn này cũng gặp phải khi sử dụng hàm setInterval.

Ở môi trường khác như phía server, giới hạn này không gặp phải vì trên Node.js có hàm setImmediate.

Tổng kết setTimeout trong JavaScript

Hàm setTimeout(func, delay, ...args) trong JavaScript cho phép thực hiện hàm func một lần sau một khoảng thời gian delay với các tham số truyền vào là args.

Hàm setInterval(func, delay, ...args) cũng tương tự như hàm setTimeout, nhưng hàm func được thực hiện sau mỗi lần delay.

Để hủy bỏ không gọi hàm func nữa, bạn có thể gọi hàm clearTimeout(timerId) hoặc clearInterval(timerId) với timerId là kết quả trả về sau khi gọi hàm setTimeout hoặc setInterval.

Việc gọi hàm setTimeout lồng nhau giúp bạn xử lý linh hoạt giá trị delay hơn so với cách sử dụng setInterval.

Trường hợp gọi hàm setTimeout(func, 0) với giá trị delay = 0, tương đương với setTimeout(func) sẽ thực hiện hàm func ngay sau khi luồng code chính thực hiện xong.

Đối với trình duyệt, sau 5 lần gọi hàm setTimeout(func) lồng nhau hoặc với setInterval(func) thì thời gian delay được set khoảng 4ms.

Thực hành

Bài 1

Viết hàm printNumbers(start, end) để in ra một số từ start đến end sau mỗi 1 giây theo hai cách:

  1. Sử dụng setInterval.
  2. Sử dụng setTimeout.

Xem đáp án

Cách 1: sử dụng setInterval

js Copy
function printNumbers(start, end) {
  let timerId = setInterval(function run() {
    if (start > end) {
      clearInterval(timerId);
      return;
    }

    console.log(start++);
  }, 1000);
}

printNumbers(1, 5);
// 1, 2, 3, 4, 5

Cách 2: sử dụng setTimeout

js Copy
function printNumbers(start, end) {
  setTimeout(function run() {
    if (start > end) {
      return;
    }

    console.log(start++);
    setTimeout(run, 1000);
  }, 1000);
}

printNumbers(1, 5);
// 1, 2, 3, 4, 5

Bài 2

Trong đoạn code sau, hàm setTimeout được gọi với thời gian delay là 100ms.

Sau đó là một vòng lặp for với số lần lặp khoảng 100000000 lần. Mà thời gian thực hiện vòng lặp lớn này thường hơn 100ms.

Hỏi hàm với setTimeout được gọi khi nào?

  1. Sau vòng lặp.
  2. Trước vòng lặp.
  3. Trong khi vòng lặp đang chạy.
js Copy
let i = 0;

setTimeout(() => console.log(i), 100); // ?

// giả sử thời gian thực hiện vòng lặp lớn hơn 100ms
console.log("trước vòng lặp");
for (let j = 0; j < 100000000; j++) {
  i++;
}
console.log("sau vòng lặp");

Xem đáp án

Kết quả

trước vòng lặp
sau vòng lặp
100000000

Nghĩa là hàm với setTimeout được gọi ngay sau vòng lặp.

Tham khảo:

Avatar
Được viết bởi

Admin Team

Gợi ý câu hỏi phỏng vấn

Không có dữ liệu

Không có dữ liệu

Gợi ý bài viết
Không có dữ liệu

Không có dữ liệu

Bình luận

Chưa có bình luận nào

Chưa có bình luận nào